Cẩm nang

DU HỌC

Nét tương đồng giữa ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam

18/05/2022 | Lượt xem: 1247 lượt xem

Việt Nam và Hàn Quốc trước nay luôn được biết đến với mối quan hệ bền chặt. Đây không chỉ là mối quan hệ ngoại giao, mà còn là mối quan hệ ngày càng được thắt chặt dựa trên những nét tương đồng về văn hóa. Một trong những nét tương đồng ấy chính là ẩm thực – nét tinh hoa của nền văn hóa truyền thống lâu đời và đặc sắc. Hãy cùng S20 so sánh hai nền ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam để tìm ra những điểm tương đồng ấy nhé!

 

1. Lương thực chính là cơm gạo

Ẩm thực Hàn Quốc

Gạo là lương thực chính trong ẩm thực Hàn Quốc

 

Với hai đất nước đều có xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp, gạo trở thành lương thực chính không thể thay thế. Tại Việt Nam, chúng ta phân biệt giữa gạo tẻ và gạo nếp và thường nấu riêng, trong khi Hàn Quốc sẽ trộn và nấu chung gạo tẻ và nếp để cơm thêm dẻo và thơm. Khi nấu cơm, người Hàn Quốc thường độn thêm một số loại ngũ cốc khác như lúa mạch, các loại đậu, hạt, bắp… để gia tăng hương vị và trở thành món ăn đặc đắc trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.

 

Đồng thời, tại Hàn Quốc hay Việt Nam đều có các món ăn khác được chế biến từ gạo. Trong đó phải kể đến các món bún, phở, xôi, các loại bánh nếp của Việt Nam hay món bánh gạo trứ danh và các loại mỳ đặc trưng của Hàn Quốc.

 

2. Sử dụng đũa

Ẩm thực Hàn Quốc

Đũa là dụng cụ ăn uống chính trong ẩm thực Hàn Quốc

 

Trong các bữa ăn của người dân hai nước, đôi đũa là vật dụng không thể thiếu. Tại các quốc gia châu Á nói chung thì tre là vật liệu có sẵn, đũa tre tượng trưng cho sự thanh cao và lòng nhân từ, đây cũng là hai nội dung chính của học thuyết Khổng Tử. Bên cạnh đó, để bảo quản và sử dụng để cắt thức ăn, Hàn Quốc sử dụng thêm loại đũa dẹt làm từ inox, loại đũa này được nhiều du học sinh và du khách người Việt đánh giá là khá khó dùng.

 

3. Ẩm thực đa dạng theo mùa

Người Việt Nam và người Hàn Quốc có văn hóa ăn uống dựa theo mùa và khí hậu. Đây được coi là sự cân bằng giữa con người và môi trường tự nhiên. Tương tự với miền Bắc Việt Nam, Hàn Quốc có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, từ đó có những món ăn đặc sắc riêng theo từng mùa khác nhau.

 

Thức ăn đa dạng, mùa nào thức nấy là điểm chung của hai nước. Vì ở xứ lạnh nên Hàn Quốc trồng được ít loại rau và trái cây hơn các nước nhiệt đới như ở Việt Nam, tuy nhiên đến mùa thì các loại hoa quả này đều khá rẻ. Ở Hàn Quốc, thức ăn hàng ngày chủ yếu là các loại rau xanh theo mùa được ăn sống, trộn gia vị hoặc luộc, xào.

 

Thay vì sử dụng nước luộc rau làm canh như người Việt Nam, người Hàn Quốc thường có những món canh khá cầu kỳ với thành phần chính là thịt, cá, rong biển; các món từ xương hay lòng bò, lòng heo; và tất nhiên không thể thiếu kim chi. Tại Hàn Quốc có đến hơn 200 loại kim chi khác nhau, mỗi loại đều có phong cách, hương vị riêng tùy thuộc vào khí hậu của từng vùng.

 

Ẩm thực Hàn Quốc

Ẩm thực Hàn Quốc phong phú theo từng mùa

 

Việt Nam là xứ nóng nên đặc biệt vào mùa hè, người Việt thích ăn rau quả, tôm cá hơn là các loại thịt mỡ. Việt Nam cũng có các món trộn, dưa muối, cà muối nhưng thường thiên về vị chua, đắng hơn là cay nồng như ở Hàn Quốc.

 

4. Gia vị và cách chế biến

Ẩm thực Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đặc biệt trong cách sử dụng gia vị trong nấu ăn. Hầu hết các món ăn Hàn Quốc đều sử dụng gia vị như: muối, đường, tiêu, tỏi,  nước tương, hành, dầu ăn, dầu vừng, tương ớt, ớt khô… Ngoài ra, kim chi và tương đậu cũng là 2 loại gia vị thường được sử dụng để chế biến và ăn liền. Tuy nhiên, do đặc điểm khí hậu mà người Hàn Quốc thường chế biến món ăn cay và ngọt hơn khẩu vị người Việt.

 

Ẩm thực Hàn Quốc

Ẩm thực Hàn Quốc thường cay và ngọt hơn Việt Nam

 

Hầu hết các món ăn Việt Nam và Hàn Quốc đều là thành quả của việc pha trộn tổng hợp nguyên liệu như sử dụng các loại rau với nhau. Rau chế biến với các món đạm như thịt cá, rau chế biến với các loại gia vị. Bạn có thể thấy những món ăn này từ bữa cơm gia đình, các quán ăn bình dân hay cả những nhà hàng sang trọng.

 

Các loại nguyên liệu được tổng hợp lại, bổ sung lẫn nhau để tạo ra những món ăn đảm bảo dinh dưỡng và ngũ chất: tinh bột – đạm – béo – khoáng chất – nước. Bên cạnh đó các món ăn này mang đến sự kích thích về vị giác khi có đủ ngũ vị: chua – cay – mặn – ngọt – đắng và sự thỏa mãn về thị giác với ngũ sắc: trắng – xanh – vàng – đỏ – đen.

 

5. Văn hóa ăn uống

Tại cả Việt Nam và Hàn Quốc, bữa ăn được xem như một hình thức gắn kết các mối quan hệ, vì vậy đây là bữa ăn chung mà các thành viên trong bữa ăn phải liên quan chặt chẽ với nhau như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Vì vậy mà trong lúc ăn uống, người Việt Nam và Hàn Quốc rất thích trò chuyện và giao lưu với nhau. Chính vì vậy, ở cả 2 nền văn hóa, chúng ta có thể thấy rõ có những quy chuẩn và mực thước nhất định trong việc ứng xử tại các bữa ăn mang tính chất khác nhau.

 

Cụ thể, theo truyền thống Hàn Quốc, người lớn tuổi nhất trong nhà cần ngồi vào bàn và cầm đũa bắt đầu bữa ăn thì những người khác mới lần lượt làm theo. Tương tự tại nhiều gia đình truyền thống ở Việt Nam hiện nay, trước khi ăn con cháu cần có lời mời ông bà, bố mẹ ăn trước.

 

Ẩm thực Hàn Quốc

Văn hóa ăn uống rất quan trọng ở cả Hàn Quốc và Việt Nam

 

Sự giao lưu, hội nhập văn hóa giữa các quốc gia đang là một xu thế ngày càng phát triển. Tuy Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có lịch sử, thể chếchính trị khác nhau nhưng vẫn có thể xây dựng được mối quan hệ gắn kết dựa trên sự tương đồng văn hoá, mà nền ẩm thực đóng góp một phần không nhỏ.