Kimchi một món ăn truyền thống không thể thiếu trong đời sống người Hàn Quốc và văn hóa muối kimchi còn được gọi là kimjang, chính thức được tổ chức giáo dục, khoa học văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ việc chế biến món ăn đến việc được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Hãy cùng S20 tìm hiểu về nét văn hoá độc đáo này nhé!
Nội dung bài viết
Văn hóa kimjang
Kimchi là món rau muối lên men không thể thiếu trên bàn ăn mỗi ngày của người Hàn Quốc, cách hiểu thông thường của kimjang là chỉ việc làm ra kimchi. Từ điển Hàn Quốc có định nghĩa ‘kimjang’ là “việc muối nhiều kimchi trong 1 lần vào trước sau dịp lập đông để ăn từ mùa đông đến mùa xuân”.
Mùa muối kimchi ở Hàn Quốc không chỉ là đơn thuần là việc muối kimchi hay làm đồ ăn đơn giản mà đó còn là một sự kiện của cả làng xã cùng thể hiện sức mạnh cộng đồng, người dân trong mỗi địa phương cùng đoàn kết và đó là việc lớn trong nhà để các thành viên trong gia đình cùng làm.
Cứ vào đầu tháng 11 hàng năm, các tin tức liên quan đến kimjang lại xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông ở Hàn Quốc, cho biết cụ thể ở từng vùng nên muối kimchi vào lúc nào, thời tiết như thế nào và giá cả nguyên liệu, gia vị ra sao. Người Hàn Quốc coi trọng và quan tâm đến kimjang đến mức hàng năm còn công bố chỉ số kimchi.
Kimjang là văn hóa sinh hoạt đã được lưu giữ từ nhiều đời nay tại Hàn Quốc, là nơi kết nối của các thành viên trong gia đình, bạn bè và xóm làng.
Nguyên vật liệu muối kimchi đa dạng
Nguyên liệu sử dụng trong mùa kimjang cần được chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng, tuỳ thuộc vào mùa thu hoạch của loại thực phẩm và thời gian để chế biến chúng. Ớt Taeyangcho (ớt Thái dương), đặc sản của huyện Cheongyang có vị ngon và được phơi khô tự nhiên dưới nắng là nguyên liệu không thể thiếu để làm ra món kimchi ngon.
Hành hoa đem lại hương vị bền lâu cho kimchi, còn củ cải giúp tạo vị thanh mát. Tiếp theo là rau cần nước Minari, hành hoa, ớt xanh, ớt đỏ, hàu sống và cho thêm cả nước mắm Tohajeot. Chỉ trong một món kimchi mà đã hội tụ cả nguyên liệu của núi, đồng bằng và vùng biển, tất cả cùng hòa quyện để tạo nên một màu sắc tuyệt đẹp.
Ngày làm kimjang là dịp để bà con thân thích, hàng xóm láng giềng tụ họp lại. Có một thứ không thể thiếu được, đó chính là thịt lợn luộc. Kimchi vừa mới trộn cuộn với lát thịt luộc nóng hổi là thứ không cao lương mĩ vị nào sánh bằng.
Không chỉ là một món ăn thông thường, kim chi còn mang giá trị văn hóa giao tiếp. Người Hàn Quốc không thích làm kim chi một mình, các gia đình hoặc bạn bè chơi cùng nhau thưởng tụ họp lại để làm kim chi. Họ cùng làm, trao đổi và học hỏi cách thức làm kim chi, nấu ăn và tăng mối quan hệ giao tiếp giữa những người phụ nữ.
Kimjang kết nối mọi người
Kimjang cho đến ngày nay vẫn là công việc cần nhiều đến bàn tay con người, cho nên ngày làm Kimjang cũng chính là một dịp lễ hội để gia đình, bà con, làng xóm quây quần bên nhau. Kimjang là một lễ hội độc đáo của Hàn Quốc hàm chứa ý thức cộng đồng làng xã rất lớn và cũng là lễ hội dành cho các bà mẹ.
Kimjang còn được coi là ngày hội của tình yêu thương với nhiều chương trình làm kimchi cho người nghèo được bắt đầu từ năm 2001. Trong tháng 1 năm 2014, lễ hội “Muối kimchi chia sẻ yêu thương” đã chính thức được sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là lễ hội làm kimchi quy tụ số lượng người tham gia đông đảo nhất tại một địa điểm. Trong ngày diễn ra lễ hội, có đến 120.000 bó cải thảo ngâm muối nặng tương đương 200 tấn và 50 tấn gia vị được sử dụng để muối kimchi.
Ngày nay nhiều gia đình Hàn Quốc vẫn giữ thói quen tụ tập cùng nhau trong ngày kimjang, tuy nhiên ở các đại đô thị như Seoul thì xu hướng tự làm kimchi cũng không còn phổ biến trong các gia đình trẻ. Ở làng xã hiện nay thường các gia đình sẽ thay phiên nhau làm Kimjang và biếu tặng nhau nhằm giảm bớt sức lao động.
Ngày kimjang không còn phổ biến ở đại đô thị như Seoul
Kimjang đang trở thành phương tiện, cây cầu nối giúp người nước ngoài thêm hiểu hơn về Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc. Gần đây lại có nhiều người nước ngoài tham gia vào các sự kiện liên quan đến kimjang. Thông qua các sự kiện này, họ không chỉ được biết thêm về cách người Hàn Quốc chuẩn bị cho mùa đông hay làm món ăn như thế nào, mà còn được trải nghiệm một hoạt động tập thể chia sẻ đầy ý nghĩa để qua đó cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị quan trọng trong xã hội Hàn Quốc.
Xem thêm: “Hít hà” ẩm thực Hàn Quốc vào mùa đông